THẦY ĐINH TRUNG THIỆN – TẤM GƯƠNG VỀ NGHỊ LỰC VƯỢT LÊN HOÀN CẢNH

Thứ tư - 09/10/2024 19:36

Bác Hồ đã từng nói: “Mỗi người tốt, mỗi việc tốt là một bông hoa đẹp. Cả dân tộc ta là một rừng hoa đẹp”. Đúng vậy, để thực hiện lời Bác, mỗi người dân trên đất nước Việt Nam ta đều phải cố gắng phấn đấu, tu dưỡng và rèn luyện thật tốt để trở thành một bông hoa ngát hương trong khu rừng hoa rực rỡ của nước nhà. Có biết bao tấm gương về nghị lực sống, về sự nỗ lực phấn đấu, vươn lên trong gian khổ để nở hoa thơm cho đời, để mọi người phải học tập và noi theo. Biết bao người thầy (cô) cho dù số phận bất hạnh hay hoàn cảnh gia đình éo le, nhưng họ vẫn không quản khó nhọc, hết mình vì học sinh thân yêu. Sau đậy, chúng tôi xin được chia sẻ với mọi người một tấm gương tiêu biểu đầy ý chí, nghị lực vượt lên hoàn cảnh; với sự nỗ lực phấn đấu không mệt mỏi, vươn lên trong công tác, nhiệt tình giàu lòng nhân ái của một giáo viên đã nhiều năm cống hiến trong nghề dạy học. Đó chính là thầy Đinh Trung Thiện- Chủ tịch Công đoàn cơ sở- giáo viên Thể dục, trường THPT Gia Viễn.

Thầy Thiện sinh ra và lớn lên trên một vùng quê nghèo tại Quảng Bình, vùng đất đầy nắng và gió nhưng giàu truyền thống Cách mạng; cùng với hoàn cảnh gia đình rất khó khăn, bố mẹ làm nông, nhà đông anh chị em. Vì vậy, ngay từ thuở nhỏ thầy đã phải vất vả mưu sinh cùng gia đình. Chính cuộc sống gian khổ đã hun đúc trong thầy tính cần cù, tỉ mỉ, chịu thương, chịu khó, vươn lên để thầy tự khẳng định mình. Thầy sống rất chân thành, mộc mạc, sẵn sàng sẻ chia với những khó khăn của người khác và luôn luôn khát khao được đứng trên bục giảng để góp phần đào tạo thế hệ trẻ trở thành những con người có ích trong xã hội.

Năm 2000 tốt nghiệp Đại học Thể dục thể thao, thầy về công tác tại trường THPT Gia Viễn, là một giáo viên trẻ đầy nhiệt huyết, hết lòng vì học sinh thân yêu. Thầy luôn đi đầu trong công việc, thực hiện tốt các phong trào thi đua, các cuộc vận động do trường phát động, tham gia vào các Hội thi, như: Hội thi giáo viên dạy giỏi; Hội thi làm đồ dùng dạy học; công tác luyện tập (bồi dưỡng) học sinh tham gia Hội khỏe Phù Đổng cấp huyện, cấp tỉnh… tất cả đều đạt kết quả cao.

Để làm được như thầy quả không dễ một chút nào, bởi hoàn cảnh hiện tại của thầy vô cùng éo le. Ngày ấy - cái ngày thầy mới về trường, với sức trẻ, với lòng nhiệt huyết biết bao ước vọng về một tương lai rạng ngời. Và chính nơi đây, thầy đã gặp một nửa yêu thương của cuộc đời mình. Đó là cô Trịnh Thị Thơm - nhân viên Thư viện nhà trường. Dù cuộc sống không dư giả nhưng hai vợ chồng cùng hai đứa con sống hạnh phúc, sớm tối có nhau, cùng chia sẻ ngọt bùi. Nhưng rồi sóng gió ập đến gia đình thầy. Năm 2017  vợ của thầy không may mắn mắc bệnh hiểm nghèo - Luput ban đỏ (đây là loại bệnh suy giảm miễn dịch, không biết nguyên nhân gây bệnh, tiên lượng loại bệnh này cực xấu, là bệnh mãn tính nhưng vẫn hay gây tổn thương cấp tính phá huỷ cơ quan nội tạng cũng như ngoại thương).

Trong suốt quãng thời gian vừa qua, nếu như không có ý chí nghị lực - tinh thần thép, có lẽ thầy đã ngã gục. Thầy vừa lo đi dạy; chăm sóc vợ, con, đưa đón con nhỏ đi học; vừa phải lo kinh phí trang trải cho gia đình. Thầy đã đưa vợ đi chữa bệnh khắp nơi Sài Gòn, Hà Nội... nhưng bệnh không thuyên chuyển. Khi chúng tôi hỏi thăm, nghe thầy tâm sự mà lòng không dấu nổi nước mắt: Ba tháng cô (vợ của thầy) chết lâm sàng, điều trị ngoài Hà Nội, tưởng như cô sẽ không qua khỏi nhưng nhờ phép màu cô sống trở lại, niềm vui chưa được bao lâu thì cô lại bị nhồi máu não, bệnh lại càng nặng hơn, bị liệt hệ cơ. Giờ đây cô nằm/ngồi một chỗ, không nói được, không tự đi lại được, không tự vệ sinh cá nhân, ăn phải trực tiếp qua dạ dạy. Hiện tại, mọi sinh hoạt cá nhân của cô đều phụ thuộc vào sự chăm sóc của thầy và đứa con thơ đang học lớp 5...”. Quả thực, tình cảm thầy dành cho người vợ thật lớn lao. Thầy không ngại khó, ngại khổ hi sinh tất cả vì gia đình. Sáu năm qua có bao nhiêu tài sản đều đem bán tất cả, bởi thầy phải có nhiều tiền mới có thể mua được thời gian cho người vợ duy trì sự sống từng ngày. Giờ đây, chỉ còn căn nhà thầy cũng rao bán để lấy tiền trả nợ và mua thuốc cho vợ uống. Hi vọng của thầy mong người vợ trở lại khỏe mạnh như trước đây đã dập tắt, nhưng chỉ cần người vợ còn ở đó, dù có vất vả như thế nào thầy cũng tình nguyện, cam tâm.

Chủ tịch Công đoàn ngành giáo dục đến thăm và động viên gia đình

Đó chính là lí do, sau mỗi buổi dạy học một số thầy cô ngồi lại một chút trò chuyện, nghỉ ngơi cho đỡ mệt thì thầy Thiện lại vội vã trở về nhà. Bởi gia đình thầy leo người, kể từ khi vợ bị bệnh một mình thầy chăm sóc, lo toan, vun vén cho gia đình. Thầy vừa làm cha, vừa làm mẹ. Gánh nặng kinh tế ngày càng đè nặng lên đôi vai của thầy, tiền thuốc chữa bệnh cho vợ, tiền học cho cậu con trai học Đại học và cô con gái đang học lớp 5. Sáu năm qua những ngày vội vã như thế của thầy đã thành quen. Bởi người vợ ở nhà của thầy là người bạn đời, là hạnh phúc, là một nửa của hai tiếng gia đình, dù tuổi xuân của vợ không còn tươi thắm, không còn sức khỏe.

Sau những vất vả, khó khăn là những nụ cười trên môi thầy mỗi khi đến trường, lên lớp. Nhưng mấy ai thấu hiểu sau nụ cười ấy là bao nước mắt nuốt ngược  vào trong. Biết bao nỗi lo âu nhưng không có điều gì thầy nghĩ cho mình. Những khó khăn của thầy đã được vòng tay yêu thương của học trò, của đồng nghiệp nâng đỡ, phần nào giúp thầy thêm nghị lực. Kể từ khi vợ thầy bị bệnh Chính quyền, Công đoàn cơ sở THPT Gia Viễn hết sức tạo điều kiện về thời gian cho thầy, sao cho thuận lợi nhất để thầy có thể vừa đi dạy vừa chăm sóc vợ, con. Chính quyền, Công đoàn ủng hộ, giúp đỡ về vật chất, kêu gọi các mạnh thường quân giúp đỡ, các chương trình nhân ái, vượt lên hoàn cảnh, số phận nhưBiệt đội phấn trăng...Đồng nghiệp trong trường thường xuyên đến thăm hỏi động viên gia đình thầy. Khi chúng tôi hỏi điều thầy mong ước bây giờ là gì? Thầy nghẹn ngào nói: Mong muốn của thầy vợ được sống, hai đứa con lớn khôn, trưởng thành, và ông trời cho thầy sức khỏe để có thể mỗi ngày  đến trường, để mãi là chỗ dựa cho vợ, con.Một ước muốn thật bình dị, nhưng cũng thật xa xỉ đối với những người đang phải sống trong hoàn cảnh như thầy.

CĐV trong trường đến thăm và động viên gia đình

Mặc dù cuộc sống có rất nhiều khó khăn, tưởng chừng như không thể vượt qua, ấy vậy mà tinh thần làm việc của thầy chưa bao giờ vơi cạn. Thực sự một điều đáng ghi nhận ở thầy là ý chí, nghị lực luôn biết khắc phục hoàn cảnh khó khăn, nên dù ở vai trò, nhiệm vụ nào thầy cũng luôn hoàn thành bằng cả cái tâm và lòng nhiệt huyết. Suốt 24 năm gắn bó với nghề  dạy học, thầy luôn ý thức được vai trò, trách nhiệm cũng như những yêu cầu cần có của một nhà giáo về đạo đức nghề nghiệp. Thầy quan niệm, để hình thành nên những thói quen, nhân cách tốt cho học sinh thì người giáo viên ngoài kiến thức về chuyên môn, nghiệp vụ cũng phải có đạo đức trong sáng, lối sống lành mạnh, trung thực, giàu lòng nhân ái, lời nói, thái độ, cách đi đứng, cách ứng xử với đồng nghiệp, với phụ huynh, học sinh… sao cho chuẩn mực và luôn luôn phải là tấm gương sáng cho các em noi theo… Và thầy đã làm tốt điều đó.

Trong thời gian công tác tại trường, thầy luôn là người giáo viên gương mẫu và sẵn sàng nhận mọi nhiệm vụ được giao. Thầy không bao giờ than phiền, ngại khó dù có những việc ngoài khả năng nhưng thầy vẫn cố gắng tìm hiểu, học hỏi để hoàn thành tốt. Trên cương vị là một giáo viên bộ môn, giáo viên chủ nhiệm thầy đã dành trọn tình yêu thương cho học trò, trân trọng, cảm thông và bao dung với những học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, thầy luôn tranh thủ thời gian đến thăm hỏi, động viên gia đình để các em cố gắng vượt lên hoàn cảnh. Bằng việc xây dựng và thực hiện các hoạt động “tương thân, tương ái” trong lớp, trong trường, thầy đã giúp đỡ nhiều học sinh có cơ hội đến trường, đến lớp.

Trong mối quan hệ với đồng nghiệp, thầy luôn có tinh thần hỗ trợ, chia sẻ giúp đỡ đồng nghiệp trong công việc và trong cuộc sống gia đình. Tất cả các tiết chuyên đề, các tiết thi giáo viên giỏi cấp trường của đồng nghiệp trong nhóm/tổ thầy đều tham gia đóng góp ý kiến, hỗ trợ tích cực cho các đồng nghiệp góp phần vào việc phát triển, nâng cao chất lượng dạy và học của nhà trường.

Thầy luôn có sự phối kết hợp với Ban giám hiệu nhà trường làm tốt công tác tuyên truyền chủ trương đổi mới giáo dục và đào tạo tới đồng nghiệp và cộng đồng xã hội.Với vai trò là Chủ tịch Công đoàn cơ sở: Dưới sự chỉ đạo của thầy, hàng năm, Công đoàn cơ sở luôn triển khai thực hiện tốt theo các kế hoạch, hướng dẫn của Công đoàn cấp trên. Trong đó, đáng chú ý là hướng dẫn về việc thi đua khen thưởng “Cán bộ công đoàn cơ sở giỏi”, để cho mỗi cán bộ, giáo viên, nhân viên nắm và phấn đấu thực hiện. Bên cạnh đó, thầy cũng tích cực tham gia thực hiện quy chế dân chủ tại cơ sở; mạnh dạn đấu tranh bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng cho đoàn viên, người lao động. Thầy đã xác định được trách nhiệm của người đứng đầu trong tổ chức và triển khai thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ công tác Công đoàn đề ra; chủ động xây dựng kế hoạch hoạt động của bản thân, thể hiện tinh thần trách nhiệm cao trong công tác, hoàn thành nhiệm vụ được giao một cách chủ động, đạt chất lượng, hiệu quả cao. Điển hình như, ngoài việc phối hợp triển khai thực hiện hoàn thành tốt nhiệm vụ chuyên môn, Ban chấp hành Công đoàn luôn chủ động nắm bắt tâm tư, nguyên vọng của Công đoàn viên, để kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc; thường xuyên thăm hỏi, tặng qùa đối với những Công đoàn viên có hoàn cảnh khó khăn, để họ an tâm công tác. Kết quả: Hàng năm, Công đoàn cơ sở: Giữ vững danh hiệu vững mạnh, các công đoàn viên luôn thực hiện tốt đường lối chủ trương, chính sách của Đảng và nhà nước, thực hiện tốt các cuộc vận động. Năm học 2022-2023, thầy được Ban chấp hành Công đoàn giáo dục Việt Nam tặng Bằng khen: Đã có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua Dạy tốt-Học tốt.

Thầy Thiện nhận Bằng khen của Ban chấp hành Công đoàn giáo dục Việt Nam 
 

Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ giảng dạy, hoạt động Công đoàn thầy đã có nhiều đề tài, giải pháp được công nhận ở cấp cơ sở, 06 năm đạt danh hiệu chiến sỹ thi đua cấp cơ sở. Thầy luôn tích cực trong việc vận dụng các giải pháp của mình,  khuyến khích đồng nghiệp vận dụng các giải pháp của nhau vào thực tiễn công tác giảng dạy và các hoạt động tại trường THPT Gia Viễn. Việc thầy vận dụng các chuyên đề, giải pháp trên đã thực sự tạo nên sự chuyển biến, góp phần mang lại hiệu quả thiết thực trong quá trình đổi mới căn bản toàn diện giáo dục đào tạo hiện nay. Ngoài công việc gia đình, thầy dành hết tâm huyết cho nghề nghiệp. Thầy luôn được đồng nghiệp mến phục, học sinh tin yêu.

Câu chuyện về cuộc đời của thầy đã cho chúng tôi thấy được ý chí nghị lực, vượt gian khổ của thầy. Đăc biệt, chúng tôi hiểu rõ hơn về tổ chức Công đoàn - thực sự là vòng tay, mái ấm, là người đồng hành tin cậy của đoàn viên, người lao động. Thầy chính là bức chân dung thể hiện nghĩa tình, trách nhiệm của một con người, giàu ý chí, nghị lực không bỏ cuộc đời, số phận lại phía sau. Giúp chúng tôi hiểu rằng, xung quanh chúng ta còn có rất nhiều người đang từng ngày từng giờ phải gánh chịu những nỗi đau, sự thiệt thòi, mất mát nhưng họ đã không buông xuôi, không đầu hàng số phận mà đi ngược dòng ngẩng cao đầu tự tin và chiến thắng. Họ là người truyền lửa cho chúng ta niềm tin, sức mạnh khi đối diện với khó khăn trong cuộc sống. Thầy chính là tấm gương vượt lên hoàn cảnh, số phận, là người để cho mọi người, đặc biệt là giới trẻ hôm nay noi theo.

           Mustafa Kernal Ataturk từng nói: “Một thầy giáo như ngọn nến đốt chính mình để soi rọi cho người khác”. Điều đó thật đúng với thầy. Trong ba vạn sáu nghìn ngày của cuộc đời chúng ta, không chỉ có những ngày trời quang mây tạnh mà một nửa là mây mù u ám, mưa dầm gió bấc. Đường đời mà chúng ta đi, có thể bằng phẳng thênh thang, có thể sông ngăn núi trở, không thuyền không bến sang sông. Sự thực đó chúng ta không thể thay đổi, nhưng chúng ta có thể thay đổi lòng mình. Những lúc như thế chúng ta hãy tự biến lòng mình thành chiếc thuyền qua sông. Chính thầy là tấm gương vượt lên hoàn cảnh khiến chúng ta không khỏi xúc động.

        Quả thực, Thầy  Đinh Trung Thiện là một tấm gương sáng ngời về ý chí, nghị lực vượt lên hoàn cảnh, một người tài đức vẹn toàn. Chúng tôi cảm thấy mình thật may mắn, khi gặp và được làm việc cùng thầy. Nhờ có người như thầy để chúng tôi noi theo, học tập, để tiếp tục giữ niềm tin vào cuộc sống này và có thể cống hiến nhiều hơn nữa cho sự nghiệp “trồng người”. Trong phong trào “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, thực hiện phương châm “Mỗi thầy, cô giáo là một tấm gương đạo đức tự họcvà sáng tạo”, thầy thực sự xứng đáng là “Tấm gương nhà giáo tâm huyết, mẫu mực, giàu nghị lực”. Trong bài viết này, chúng tôi xin được bày tỏ sự ngưỡng mộ, trân trọng thầy, chúng tôi xin hứa sẽ phấn đấu học tập tấm gương của thầy - một tấm gương về sự nỗ lực phấn đấu, vươn lên trong gian khổ để nở hoa thơm cho đời. Những nỗ lực, phấn đấu của thầy góp phần không nhỏ vào sự phát triển ngành giáo dục của trường, tỉnh. Chúng tôi những người đồng nghiệp và các em học sinh thân yêu luôn lấy thầy là tấm gương soi rọi cho cuộc đời của mình. Chúng tôi, luôn tự hào về  thầy, tự hào về nghề “ trồng người”. Dù biết khó khăn vẫn còn ở phía trước, nhưng hy vọng rằng với tinh thần giàu nghị lực sẽ luôn giúp thầy mạnh mẽ, vững tin trong cuộc sống.

Tác giả bài viết: Phạm Thị Nga

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây