Hoa màu tan tác, nông dân mất tết sau lũ

Thứ ba - 20/10/2015 09:52
Thẫn thờ nhìn hơn 2.000 chậu mai đang ngâm trong lũ, bà Nguyễn Thị Yến (70 tuổi, thôn Háo Đức, xã Nhơn An, thị xã An Nhơn, Bình Định) rầu rĩ: “Tết này của nhà tôi tan theo nước lũ rồi. 2.000 chậu mai giờ còn ngập lút ngọn giữa mênh mông nước trắng. Nước bùn kiểu này thì toàn bộ mai nhà tôi bị thối búp, có cứu cũng chẳng kịp”.
Hoa màu tan tác, nông dân mất tết sau lũ

Mai trôi theo dòng lũ

Tương tự, đầu tư hơn 200 triệu đồng cho 4.000 chậu mai, gia đình chị Lê Thị Thúy Ngà (38 tuổi) lâm vào cảnh khốn đốn. “Mai thì ngâm bùn, nhà thì ngập, gà vịt trôi sạch. Sách vở của hai đứa con lấm lem hết. Từ hôm nước rút, vợ chồng tôi chẳng kịp dọn nhà, ra đồng cứu mai trước. Nếu hư sạch, tết năm nay chẳng bán được mà còn thâm nợ” - chị Ngà nói.

“Mai ngâm nước lũ sẽ bị thối búp, cây không chết nhưng có thể ra hoa hoặc sẽ ra rất ít. Gần như loạt mai bị ngâm lũ kỳ này khó bán tết” - ông Nguyễn Văn Chín, một hộ trồng mai lâu năm ở Háo Đức, ngậm ngùi.

“Hằng năm, các hộ trồng mai cho doanh thu 15 tỉ đồng. Đến nay chúng tôi chưa thể thống kê hết thiệt hại” - Chủ tịch UBND xã Nhơn An Nguyễn Tấn Đức cũng buồn xo.

Hoa màu tan tác, nông dân mất tết sau lũ - 1

Ông Nguyễn Thành ở cánh đồng Tiên (Ninh Thuận) nhổ bỏ hơn bảy sào hành bị ngập úng của gia đình. Ảnh: HẠNH TRÍ

Hoa màu tan tác, nông dân mất tết sau lũ - 2

Những vườn hoa cúc tan hoang, xơ xác sau lũ ở phường Ninh Giang, thị xã Ninh Hòa (Khánh Hòa). Ảnh: CÔNG TÂM

Mất trắng hành Ninh Thuận

Ninh Thuận được xem là nơi hạn hán nhất nước nhưng ba ngày qua cũng “thất thủ” vì mưa, lũ.

Tại huyện Ninh Hải, 145/200 ha hành vụ tết của nông dân bị ngập úng mất trắng hoàn toàn. Ông Nguyễn Khoát, nông dân trồng hành, ngồi buồn bã bên máy bơm nước giải cứu hành ở cánh đồng Tiên cho biết gia đình đầu tư trồng bảy sào hành vụ tết. Nay cánh đồng Tiên này ngập trong biển nước. “Coi như mất hết rồi. Có nhổ bán cũng không ai dám mua” - ông Khoát than thở. Những gia đình khác cũng lâm vào tình cảnh khốn khó như ông Khoát. Theo quan sát của chúng tôi, đâu đâu cũng thấy hoa màu hư hại, trông rất xót xa.

Ông Nguyễn Thanh Sang, Chủ tịch xã Phước Sơn, cho biết nông dân ở đây chủ yếu canh tác táo, nho, bắp, ớt, những loại cây không chịu được mưa nhiều và ngập úng. Mưa lũ lớn kéo dài, nông dân hầu như mất trắng.

“Xã đang thống kê thiệt hại để báo cáo tỉnh xin hỗ trợ cho dân. Năm nay mất mùa thì dân càng thêm khổ” - ông Sang nói.

Kiệu tết tan tác

Bà Nguyễn Thị Chọn (55 tuổi, nông dân làng La Chữ, phường Hương Chữ, thị xã Hương Trà, Thừa Thiên-Huế) lắc đầu tiếc rẻ: “Năm nay lũ muộn khiến người trồng kiệu lâm vào cảnh điêu đứng, Trước đây cứ đến dịp tết gia đình tôi thu nhập khoảng 40 triệu đồng nhờ củ kiệu, bây giờ đành phải hủy bỏ nhiều đơn hàng từ trong Nam gửi đặt củ kiệu tết”.

Bà Nguyễn Thị Hoa (45 tuổi, một nông dân khác làng La Chữ) cho hay: “Vào những ngày cuối năm kiệu bán rất được giá. Tư thương luôn chờ sẵn mua trên đồng. Năm nay chịu thua ông trời em ơi. Cận tết giá kiệu được tư thương mua 15.000-30.000 đồng/kg mà không có củ kiệu để bán. Giờ mưa gió kiểu ri không thể làm đất để trồng kiệu kịp tết”.

Cùng chung cảnh ngộ, vựa kiệu tết Phù Mỹ (Bình Định) cũng bị lũ vùi dập. “Từ đầu tháng, cây kiệu chống chọi ba đợt mưa lũ rồi. Cây đang kiệt sức thì nay thêm đợt lũ lớn ngâm hai, ba ngày liền. Nước rút thì cây đã thối lá, thối củ. 15 triệu đồng đầu tư cho ba sào kiệu nhà tôi là mất hết” - bà Hồ Thị Mùi (xã Mỹ Trinh) sụt sùi.

Tác giả bài viết: Theo Nhóm PV (Pháp luật TP.HCM)

Nguồn tin: www.24h.com.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây