Gia Viễn đêm buồn…, ngày 22 tháng 10 năm 2018
TRƯỜNG GIA VIỄN TRONG TÔI!
Đã viết nháp từ 28 tháng 9 năm 2016 nhưng hôm nay mới quyết định đánh máy bài viết này…
Thấm thoát mà đã 16 năm kể từ khi tôi công tác tại ngôi trường THPT sâu – xa nhất của tỉnh Lâm Đồng. Chia tay thời sinh viên đầy nhiệt huyết, muốn tự do, khát khao cống hiến của tuổi trẻ, cầm trên tay tờ giấy giới thiệu của cô Vân - Trưởng phòng Tổ chức Cán bộ Sở GDĐT Lâm Đồng ngày ấy về nhận nhiệm vụ với câu nói “Em cứ về trường THPT Gia Viễn đi; có thầy Hiệu trưởng còn trẻ lắm, thầy chưa có vợ đâu…”. Tôi nghe xong mà không hiểu ý cô là gì bởi trong đầu tôi lúc ấy chỉ miên man suy nghĩ “Cát Tiên ở đâu? Nó xa không? Cách nhà mình bao nhiêu cây số? Ngôi trường đó thế nào? Học sinh ra sao? Cảnh vật có đẹp như tên của nó không?...”. Thật sự có quá nhiều thứ để tôi phải hình dung… Thế rồi cũng đã đến ngày về nhận nhiệm vụ. Và anh trai tôi là người đầu tiên đưa tôi đi từ Đà Lạt vế Cát Tiên bằng chiếc xe Dream cũ mượn của anh rể vì bản thân quá say xe. Vượt hơn 200 cây số hết gần một ngày đường để hỏi đường vào Trường THPT Gia Viễn.
Ôi! Tôi sẽ không bao giờ quên cái ngày hôm ấy, ngày 01 tháng 9 năm 2003. Trước mắt tôi là một ngôi trường đơn sơ có hai dãy hình chữ L mà sân trường thì như một vũng sình, chỉ vài tán cây và một khoảng đất rộng đầy cỏ…Nước mắt tôi ở đâu mà tuôn ra nhiều thế này, đến nỗi không còn nhìn thấy cái nắng chói chang của buổi trưa. Tôi chỉ biết nấc lên với người anh trong ngẹn ngào: “Trường gì đây hả anh? Sao mà học? Sao mà xa thế này? Làm sao em về nhà mình được? Rồi em ở đâu đây?...”
Rồi anh em tôi cũng hỏi thăm đến khu tập thể giáo viên để gặp thầy Hiệu trưởng để trình giấy giới thiệu và Hồ sơ xin việc. Trước mắt tôi là một người trẻ tuổi, phong độ và tôi đoán đó là thầy Hiệu trưởng như lời cô Vân đã nói. Anh trai tôi hỏi thăm và đúng như thế, bên cạnh cũng có một người trẻ tuổi hơn tự giới thiệu là Bí thư Đoàn trường. Thế là người cần gặp đã gặp, bản thân tôi không nói được gì chỉ có anh trai đáp lời tất cả. Đầu tôi rỗng tuếch, chỉ muốn quay về nhà ngay lập tức để được sà vào lòng má mà tỉ tê. Mọi việc đã sắp xếp trong buổi chiều hôm đó để sáng hôm sau anh tôi phải quay về để làm việc. Trong tôi mọi thứ đều xa lạ, những cơn mưa tháng 9 rả rích lại càng khiến tâm trạng tôi não nề, càng mong muốn về nhà bên gia đình hơn… Một tuần sau, ba má xuống thăm tôi, đem theo những đồ dùng tư trang cần thiết và chiếc xe đạp đã cùng tôi 04 năm thời Đại học. Thương người cha đã ngoài 60 tuổi đạp xe đạp từ Buôn go vào đến khu tập thể nơi tôi đang trọ còn má thì đang nằm nhờ ở một quán tạp hóa ngoài thị trấn vì quá say xe chờ ba ra chở vào sau cùng với đồ đạc. Lại một lần nữa tim tôi thắt lại khi hai mẹ con ôm chầm lấy nhau trong nước mắt… “Sao xa quá vậy con? Bao giờ thì con được về với má?”. Hai hôm sau ba má lại phải về để làm việc của mình chỉ một điều căn dặn “Con hãy cố gắng công tác tốt rồi một thời gian sau sẽ xin về gần nhà…”. Lúc này đây, cảm giác buồn tủi, lạc lõng vì không anh em, không bà con, không họ hàng thân thích cứ vướng mãi trong tôi và nước mắt cứ thế lăn dài cho đến khi không còn thấy bóng dáng của hai người yêu quý nhất trong cuộc đời tôi.
Cái ngày xin về gần nhà lại càng xa với tôi hơn và cũng làm cho ba má tôi buồn hơn khi 02 năm sau phải tổ chức đám cưới cho tôi với một thầy giáo trong trường. Vậy là “đất đã chọn người” chứ “người không chọn được đất”. Từ đó đến nay rất rất nhiều người đã hỏi tôi tại sao thành phố không ở mà lại về cái vùng “chó ăn đá, gà ăn sỏi này”. Hay mỗi dịp về thăm nhà thì bạn tôi hỏi “Cát Tiên ở đâu? Ở đó có nhiều tê giác không?...” hay người bà quá cố của tôi cũng đã từng hỏi “Chỗ con dạy có vùng cát cho Tiên ở nên gọi là Cát Tiên hả cháu? Chắc nó đẹp lắm hỉ?...”
Thế đấy! 16 năm qua tôi chứng kiến sự thay da đổi thịt của ngôi trường này và đã qua bốn đời hiệu trưởng. Tất cả đều thay đổi, bao nhiêu thế hệ học trò đã trưởng thành từ đây; bao nhiêu giáo viên trẻ đã chuyển công tác cũng đã trưởng thành từ đây. Duy nhất một điều mà bản thân tôi thấy không thay đổi đó là tình đoàn kết của tập thể hội đồng sư phạm, là lòng yêu nghề, là sự tận tâm, tận lực, hết lòng vì học sinh thân yêu của đội ngũ cán bộ quản lý, của giáo viên, của nhân viên trong trường. Thật vây, mỗi thế hệ học sinh ra trường sau khi quay lại đều tâm sự với tôi rằng: “Chỉ có ra trường, đi học ở những nơi khác mới thấy thầy, cô trường mình mới nhiệt tình, mới thương yêu học sinh như thế nào…” Quả thật khi nhìn những cô cậu học sinh chân chất trong bộ đồng phục quần xanh áo trắng và bộ áo dài nữ sinh chỉnh tề, thướt tha nhưng lại đi đôi dép tổ ong trắng toát rồi lại vàng khè mà bản thân tôi không thể kìm được lòng mình… Bản thân các em chịu rất nhiều thiệt thòi về điều kiện sống, điều kiện học tập nhưng không vì thế mà các em chùn bước. Hầu hết các thế hệ học trò đếu vượt lên số phận, đương đầu với khó khăn, thách thức để có được một công việc ổn định, một địa vị trong xã hội. Điều này làm cho những giáo viên như tôi vô cùng tự hào và yêu nghề hơn. Tôi thiết nghĩ bản thân mình và các đồng chí đồng nghiệp khác cũng suy nghĩ như tôi là phải nỗ lực hơn nữa, sáng tạo hơn nữa để tìm ra những phương pháp tối ưu, thích hợp nhất đề giảng dạy, giáo dục học sinh thân yêu của mình, và hơn hết là để giữ vững truyền thống đoàn kết, tương thân tương ái của ngôi trường này.
Qua bao năm gắn bó với ngôi trường, nó như là một ngôi nhà chung và tình cảm như thể là một “mối tình đầu” – thật sâu sắc, khó quên. Được công tác trong một môi trường dân chủ, kỷ cương, tình thương, trách nhiệm như thế là điều mà bản thân tôi cảm thấy hạnh phúc và không ngần ngại khi cống hiến một thời tuổi trẻ cho sự nghiệp giáo dục tại vùng đất đầy khó khăn này. Một tập thể hội đồng sư phạm như một gia đình lớn, luôn quan tâm, chia sẻ, giúp đỡ nhau trong công tác cũng như trong cuộc sống hàng ngày. Điều này là niềm tự hào mà ta có thể nói lớn với tất cả các đơn vị bạn. Tôi tin tưởng rằng, một ngày không xa nữa trường THPT Gia Viễn sẽ vươn xa hơn nữa, nhiều thế hệ học trò xuất sắc hơn nữa và tình thương, tình đoàn kết ấy sẽ bền chặt hơn nữa để bàn thân mỗi người đã, đang và sẽ công tác tại đây mãi mãi tự hào với truyền thống ấy.
“Dù mai tung cánh muôn phương
Ơn thầy, nghĩa bạn, tình trường không quên”
Từ tận đáy lòng, tôi chỉ mong đây mãi là nơi mà khi tôi đặt chân đến thì quên hết mọi ưu phiền, mọi cái bộn bề của cuộc sống để say sưa qua những bài giảng, bên những trang giáo án đã kỳ công soạn sửa để truyền tải cho lớp lớp đàn em thân yêu… Đó là những gì mà tôi muốn gửi đến ngôi trường đầu tiên trong sự nghiệp trồng người của tôi.
Một thời để nhớ!
Tác giả bài viết: Nguyễn Thị Duy Lan
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn